Mỗi khi nghĩ đến nhà ở, chúng ta thường nghĩ đến những con số lớn lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng song song đó, vẫn tồn tại những ngôi nhà giá rẻ đến khó tin, chỉ rơi vào khoảng 150 triệu.
Nhưng nhà lắp ghép là gì? Liệu giá rẻ như vậy thì chất lượng và ngoại hình có “tiền nào của đó” không? Tất cả đều sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Nhà lắp ghép là gì?
Nhà lắp ghép là loại nhà được xây dựng bằng cách lắp ráp các bộ phận đã có sẵn lại với nhau. Những cấu kiện như khung thép, tấm tường, sàn, mái, cửa… đều được thiết kế theo kích thước tiêu chuẩn.
Các loại vật liệu được sử dụng bao gồm gỗ, gạch, tấm xi măng DURAflex kết hợp khung thép kiên cố. Tất cả sẽ được gia công tại nhà máy, đảm bảo chất lượng và độ chính xác cao.

Các mẫu nhà lắp ghép giá 150 triệu
Hiện nay có rất nhiều mẫu nhà lắp ghép 150 triệu phổ biến từ Việt Nam cho đến khắp thế giới, đa dạng về phong cách, màu sắc kèm theo đó là thiết kế cực kỳ ấn tượng. Hãy cùng tramnha.com chiêm ngưỡng ở phía dưới nhé:
1. Nhà lắp ghép theo dạng cấp 4
Với thiết kế theo dạng nhà cấp 4 đơn thuần, đây là kiểu nhà phù hợp cho những ai yêu thích sự quen thuộc. Sử dụng gỗ làm vật liệu chính, cùng với các loại cửa kính giúp tạo một không gian ấm cúng và không kém phần hiện đại.

2. Nhà lắp ghép dạng container
Đây là loại nhà lắp ghép sử dụng lại các khung container, sau đó thực hiện các bước chỉnh sửa như tạo khung cửa, sơn lại … và nhiều lựa chọn khác tùy theo mong muốn.

3. Nhà lắp ghép gỗ theo mô hình quán cà phê
Với thiết kế chính là gỗ và kèm theo nhiều khung cửa kính, kiểu nhà này mang đến cảm giác đơn giản và tiện nghi. Đặc biệt tầng trên được thiết kế thêm một khu vực để nghỉ ngơi, uống cà phê.

4. Nhà lắp ghép dạng A-frame
Đây là kiểu nhà lắp ghép được thiết kế dựa theo chữ A, mang lại cảm giác cực kỳ độc đáo và thích thú mỗi lần ngắm nhìn. Đây là kiểu nhà rất được ưa chuộng theo mô hình nghỉ dưỡng, resort.

5. Nhà lắp ghép thuộc xe di động
Đây là kiểu nhà thường được gắn phía sau đuôi của các loại xe bán nhà ở di động. Phía dưới thân nhà sẽ có bánh xe, phía trước có rơ-móc để xe tải có thể kéo đi nhiều nơi. Rất phù hợp cho những ai luôn thích đi đây đi đó.

6. Nhà lắp ghép theo phong cách hiện đại
Là kiểu nhà dành cho những ai thích theo đuổi phong cách hiện đại. Các tấm kính thường chiếm một phần rất lớn trong thiết kế, tạo cho người ở cảm giác sang trọng và thoải mái ngắm nhìn mọi thứ xung quanh.

Cấu tạo của nhà lắp ghép
Thông thường, nhà lắp ghép được xây dựng dựa trên kết cấu hoàn chỉnh với cấu tạo cơ bản gồm:
Phần móng
Đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo độ bền và khả năng chịu lực của công trình. Móng được làm từ ba khối bê tông, liên kết với hai thanh sắt cố định bằng bulong chuyên dụng.
Kích thước tiêu chuẩn của khối bê tông là 2,5m x 0,2m x 0,3m. Còn thanh sắt thường dùng loại i75x150. Đường kính bulong được xác định dựa trên kết quả khảo sát vị trí và thiết kế cụ thể.
Tùy theo địa hình mà chủ đầu tư sẽ sử dụng phần móng đơn hoặc móng băng. Độ sâu của móng phụ thuộc vào địa chất khu vực. Đảm bảo công trình có khả năng chịu tải lâu dài.

Phần khung
Được làm bằng thép hộp mạ kẽm, gỗ hoặc panel xi măng, tùy vào mục đích sử dụng. Khung gỗ phổ biến trong các homestay nhờ vẻ đẹp tự nhiên và tính thẩm mỹ cao. Trong khi, thép hộp mạ thích hợp với các công trình yêu cầu độ bền và khả năng chịu lực tốt như nhà ở dân dụng, nhà xưởng, kho bãi, cửa hàng… Bởi chúng có khả năng chống oxy hóa, hạn chế gỉ sét, bảo vệ kết cấu bên trong. Tuổi thọ trung bình của khung thép mạ kẽm có thể lên đến 60 năm.
Phần khung của các mẫu nhà lắp ghép 150 triệu được thiết kế dựa trên bản vẽ và sản xuất theo kích thước tiêu chuẩn. Kết cấu bao gồm 4 phần chính:
- Dầm thép: Hệ dầm chịu lực, liên kết chắc chắn với các cột trụ.
- Cột trụ: Thường làm từ thép tròn hoặc chữ H, đảm bảo độ vững chắc cho công trình.
- Xà gồ: Thanh thép chữ U hoặc H, giúp gia cố khung nhà, tăng khả năng chịu lực.
- Độ dốc mái: Thiết kế độ dốc 10 – 15% giúp thoát nước nhanh, hạn chế hư hại. Hai bên seno mái thường được che bằng tôn 0,6mm để tăng độ bền.

Kết cấu phụ
Ngoài phần móng và khung, nhà lắp ghép giá rẻ còn có các kết cấu phụ giúp tăng độ vững chắc và thẩm mỹ.
- Mái nhà: Phổ biến nhất là loại mái lợp tôn PU + PP hoặc tôn xốp. Chúng có khả năng chống gỉ sét, chống ồn và cách nhiệt hiệu quả. Các công trình chất lượng cao thường dùng loại tôn dày 0,45mm với lớp xốp cách nhiệt dày 17/35mm.
- Vách Cemboard 8li: Dùng để che phủ khung sắt, bảo vệ đường dây điện và ống nước. Loại vách này có khả năng chịu lực tốt, tăng tính thẩm mỹ và dễ dàng sơn màu trực tiếp.
- Vách kính: Một số mẫu nhà lắp ghép cao cấp có vách kính cường lực dán phim PVB chống vỡ. Đảm bảo an toàn khi sử dụng.
- Cửa trời: Tích hợp vào mái nhà giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên. Điều này tạo nên không gian thông thoáng và tiết kiệm điện năng.
- Tường bao: Làm từ gạch, lưới B40 hoặc thép gai, tùy vào thẩm mỹ hoặc yêu cầu của gia chủ.

Ưu nhược điểm của nhà lắp ghép 150 triệu
Dưới đây là chi tiết ưu và nhược điểm của nhà lắp ghép 150 triệu nói riêng và nhà lắp ghép nói chung:
Ưu điểm
- Tiết kiệm chi phí
Nhà lắp ghép sử dụng vật liệu có sẵn, dễ thi công, hoàn thiện nhanh mà không cần phá dỡ như nhà bê tông. Nhờ đó, chi phí xây dựng thấp, giúp gia chủ tiết kiệm đáng kể. Chỉ từ 100 triệu đồng, bạn đã có thể sở hữu một ngôi nhà tiện nghi, bền vững.
- Thi công nhanh chóng
Do các bộ phận chính được sản xuất sẵn nên việc lắp đặt tại công trường diễn ra nhanh chóng. Thời gian hoàn thiện chỉ mất 6 – 8 tuần, thậm chí có thể rút ngắn còn vài ngày. Trong khi nhà bê tông truyền thống cần ít nhất 2 – 3 tháng để xây dựng.
- Dễ dàng di chuyển, sửa chữa và kiểm soát chất lượng
Nhà lắp ghép sử dụng hệ thống vít, bu lông. Vì vậy, khi cần thay đổi, việc lắp đặt, tháo dỡ và di chuyển trở nên dễ dàng hơn. Gia chủ có thể chuyển cả ngôi nhà đến vị trí mới mà không phải xây lại từ đầu.
Thêm vào đó, các bộ phận được sản xuất sẵn, nên việc kiểm soát chất lượng tốt hơn, hạn chế lỗi trong quá trình thi công. Ngoài ra, việc sửa chữa, bảo trì cũng đơn giản. Bởi thiết kế có thể tháo rời từng hạng mục riêng lẻ.
- Khả năng tái sử dụng và thân thiện với môi trường
Nhà lắp ghép không dùng vật liệu nung, giúp giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Sau khi sử dụng, công trình có thể tháo rời, di chuyển hoặc tái chế. Đây là ưu điểm vượt trội so với nhà truyền thống, giúp tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu rác thải xây dựng.

Nhược điểm
- Độ bền
Nhà lắp ghép sử dụng khung thép và vật liệu nhẹ, độ bền kém hơn nhà bê tông. Vì vậy, cần bảo trì thường xuyên để đảm bảo chất lượng và an toàn. Khi lựa chọn, bạn nên cân nhắc mục đích sử dụng để tối ưu hiệu quả công trình.
- Tính cá nhân hóa không cao
Thông thường, nhà lắp ghép được sản xuất theo mẫu có sẵn. Do đó, khó thay đổi kết cấu theo sở thích của gia chủ. Nếu cần thiết kế riêng biệt, tính thẩm mỹ cao, phương pháp xây dựng truyền thống sẽ linh hoạt hơn.
- Khả năng cách âm, cách nhiệt hạn chế
Vì sử dụng vật liệu nhẹ nên khả năng cách âm, cách nhiệt của nhà lắp ghép kém hơn nhà bê tông. Để khắc phục, có thể lắp thêm lớp cách nhiệt và sử dụng vật liệu tiêu âm phù hợp.
- Hạn chế với quỹ đất nhỏ hoặc không vuông vắn
Nhà lắp ghép có thiết kế tiêu chuẩn, phù hợp với mặt bằng rộng rãi. Với khu đất nhỏ hẹp, méo hoặc không đối xứng, việc lắp đặt khó tối ưu không gian. Trong khi đó, nhà xây truyền thống linh hoạt hơn, tận dụng tối đa diện tích và đảm bảo sự hài hòa tổng thể.

So sánh nhà lắp ghép với nhà truyền thống
Mỗi loại hình nhà ở đều có những ưu và nhược điểm riêng. Dưới đây là bản so sánh giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn.
Tiêu chí | Nhà lắp ghép 150 triệu | Nhà truyền thống |
Thời gian thi công | Nhanh chóng, chỉ từ vài tuần đến 2 tháng | Kéo dài từ 2 – 6 tháng hoặc hơn |
Chi phí xây dựng | Thấp hơn, do giảm thiểu vật liệu, nhân công và thời gian thi công | Cao hơn, do tốn nhiều thời gian, vật liệu và nhân công |
Khả năng mở rộng, di dời | Dễ dàng tháo lắp, di chuyển đến vị trí mới | Cố định, khó thay đổi kết cấu sau khi xây dựng |
Độ bền và tuổi thọ | Thấp hơn, cần bảo trì thường xuyên | Cao hơn, có thể lên đến hàng chục năm |
Khả năng cách âm, cách nhiệt | Hạn chế nếu không dùng vật liệu chuyên dụng | Tốt hơn nhờ tường gạch, bê tông dày |
Tính cá nhân hóa | Hạn chế, thiết kế có sẵn, ít tùy chỉnh | Linh hoạt, đáp ứng mọi nhu cầu thiết kế |
Trọng lượng | Chỉ nặng khoảng 35% so với nhà truyền thống | Nặng |
Thân thiện với môi trường | Sử dụng vật liệu tái chế, giảm thiểu rác thải xây dựng | Dùng nhiều tài nguyên, tạo bụi, khó tháo dỡ, gây ra nhiều phế liệu |
Ứng dụng | Phù hợp nhà ở dân dụng, khu nghỉ dưỡng, văn phòng di động, làm homestay, quán cà phê, shop, nhà kho… | Thích hợp cho tòa nhà, nhà ở dân dụng, lâu dài, bền vững |
Có nên xây dựng các mẫu nhà lắp ghép 150 triệu hay không?
Việc xây nhà lắp ghép 150 triệu phụ thuộc vào nhu cầu, mục đích và ngân sách của gia chủ.
Loại hình nhà ở này có ưu điểm như thi công nhanh, chi phí thấp, thiết kế hiện đại, thân thiện môi trường và dễ sửa chữa, di chuyển. Tuy nhiên, nhược điểm của nhà lắp ghép cũng cần được cân nhắc. Tuổi thọ thấp hơn nhà bê tông, khó lắp đặt ở khu vực đô thị, hạn chế tùy chỉnh theo yêu cầu riêng.

Vì vậy, mô hình này phù hợp làm nhà xưởng, nhà kho, homestay hoặc nhà ở tạm thời. Tuy nhiên, nếu bạn muốn sở hữu một không gian sống với chi phí tiết kiệm, đây vẫn là lựa chọn đáng cân nhắc.
Leave a Review